[Photo Story] Truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên, môi trường từ “Cây Di sản Việt Nam”
8/30/2023 2:07:00 PM
02 cây bàng cổ thụ khoảng 300 năm tuổi trong khuôn viên Trường Tiểu học và THCS Xuân Đám, xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện này không chỉ có vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục học sinh hình thành thói quen bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Hai cây bàng cổ thụ trong khuôn viên trường TH&THCS Xuân Đám (xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, Hải Phòng) có đường kính gốc khoảng gần 1m, cao từ 12-14m, tán lá rộng, cả 2 cây đều đang phát triển xanh tốt.
Thầy cô trong trường cho biết, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiến tranh và thời tiết cực đoan, các thầy, cô và học sinh vẫn bảo tồn được 2 cây bàng cổ thụ.
Đến nay, 02 cây bàng được gìn giữ trong khuôn viên của trường TH&THCS Xuân Đám luôn xanh tốt, cành lá vươn dài.
Cây bàng gắn với tuổi thơ rực rỡ của tuổi học trò, là cây che nắng ở sân trường và nhiều con đường từ vùng quê đến thành thị.
Hình ảnh lá bàng rụng đầy sân mỗi buổi đến trường chắc hẳn là hình ảnh không thể nào quên với nhiều thế hệ học trò nơi đây.
Cây cối sum suê, tươi tốt không chỉ tạo cảnh quan trường học xanh, trong lành mà còn góp phần giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh đối với việc chăm sóc, bảo vệ cây.
Thân cây bàng Di sản mọc nhiều nhánh con, lá xanh tốt.
Trước đó, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh đã ký Quyết định công nhận 02 cây bàng cổ thụ trong khuôn viên trường TH&THCS Xuân Đám, xã Xuân Đám, huyện Cát Hải là Cây Di sản Việt Nam.
Việc công nhận 02 cây Bàng Di sản trong khuôn viên nhà trường không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn mà còn có ý nghĩa trong giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo môi trường phát triển bền vững, nhất là đối với thế hệ học sinh.
Sự kiện bảo tồn, vinh danh cây Di sản (Cây Di sản Việt Nam) do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010. Đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
Bài và ảnh: DƯƠNG PHÚC
Lượt xem : 1137